Bác sĩ khám họng cho một bệnh nhân - Ảnh: Quỳnh Giao |
Hóc xương là "tai nạn" vẫn thường xảy ra do bất cẩn trong ăn uống. T
uy nhiên, do cách xử lý của mỗi người khác nhau mà xương có thể nhanh chóng được lấy ra hoặc có thể đâm sâu hơn, xa hơn vào các khu vực lân cận vùng họng, gây nguy hiểm như thủng thực quản, viêm niêm mạc, xuất huyết...
Dân gian truyền miệng rất nhiều cách chữa hóc xương, tuy nhiên không phải cách nào cũng đúng.
Hóc xương đi tìm người sinh ngược để... vuốt?
Con của chị H.T.D. (Bà Rịa - Vũng Tàu) mới 7 tuổi bị hóc xương cá, thay vì đến bệnh viện gần đó, chị lại dùng hết cách này đến mẹo khác nhằm làm trôi xương.
Ban đầu là vo cơm nóng rồi nuốt, sau đó lại nuốt bún... vẫn không trôi xương. Nghe theo lời hàng xóm, gia đình chị chạy đôn chạy đáo đi tìm người đẻ ngược để nhờ vuốt.
Xương không những không trôi xuống như mong muốn mà còn đâm sâu vào vùng họng, khiến đứa bé bị đau dữ dội.
Đến ngày thứ ba bé khạc ra máu, vùng cổ bị sưng tấy, giọng khàn, ăn uống khó khăn, gia đình mới đưa đến bệnh viện. “Bác sĩ kết luận thực quản con tôi bị tổn thương nặng, nếu để lâu thêm sẽ rất nguy hiểm” - chị D. cho biết.
Ông G.N.P. (41 tuổi, TP.HCM) có sở thích nhai sụn heo. Mới đây ông vừa nằm ăn vừa đọc báo, ông nhai rộn rạo sụn heo và nuốt.
Lập tức ông cảm thấy khó thở nên nhờ người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ông được nội soi lấy ra được hai viên sụn heo ở khí quản.
Khi đã bị hóc, càng cố gắng nuốt chỉ càng làm cho xương bị đẩy sâu xuống thực quản, gây viêm mủ, ápxe chỗ hóc và phải điều trị lâu dài, thậm chí để lại di chứng về sau.
Đặc biệt, có những trường hợp chữa bằng mẹo dân gian gây nguy hiểm tính mạng.
Nên đến bệnh viện khi hóc xương
Bác sĩ Phan Quốc Bảo (khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 2) cho biết: “Hóc dị vật là trường hợp thường xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày do bất cẩn của mỗi người.
Các dị vật thường gặp tại phòng khám là xương, tăm, răng giả, nắp bút, vỏ viên thuốc...
Nên đưa người hóc xương đến ngay bệnh viện để khám khi vừa hóc dị vật và cảm thấy đau, vướng, khạc không ra...
Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp đến thăm khám khi mắc dị vật đã nhiều ngày và bị viêm nhiễm nặng do dị vật gây trầy xước niêm mạc họng”.
Theo bác sĩ Bảo, các vị trí thường gặp của hóc dị vật là cực dưới amiđan, xoang lê (hốc niêm mạc nằm cạnh sụn thanh quản).
Đặc biệt, hóc xương gà rất nguy hiểm bởi xương gà có vỏ xương cứng và sắc hơn xương các loại thịt cá khác nên dễ dàng cứa đứt niêm mạc họng gây nhiễm trùng, sau đó có thể xương không nằm cố định một chỗ mà di chuyển gây tổn thương nặng nề hơn.
Đã từng có trường hợp những cạnh sắc của xương gà cắt đứt động mạch cảnh hoặc người hóc xương gà nhiều ngày gây ápxe nhiễm trùng ăn sâu xuống làm hoại tử thành động mạch cảnh nên khi vỡ ra sẽ gây xuất huyết dữ dội và tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ Bảo khuyến cáo khi mắc dị vật bất kỳ, việc đầu tiên là tìm cách khạc dị vật ra, hoặc nôn ọe để dị vật trôi ra, không cố nuốt vào.
Thói quen cố nuốt khi có dị vật trong cổ ít khi làm xương trôi xuống mà chỉ càng khiến cho xương đâm sâu hơn, gây tổn thương. Nhưng cũng không cố khạc quá nhiều có thể gây rách vùng họng.
Khi đã bị hóc, người hóc xương chỉ cố nuốt khi xác định chắc chắn đó là xương dăm rất nhỏ.
Nếu thấy xương cắm vào những vị trí có thể nhìn thấy được như amiđan, màn hầu hay thành sau họng thì có thể dùng kẹp y khoa để gắp ra.
Còn lại, khi hóc xương lớn, xương gà, hóc các dị vật kim loại sắc nhọn... hoặc trường hợp khạc dị vật không ra thì tốt nhất nên đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp sớm và đúng cách.
Các bài thuốc đông y chữa hóc xương Bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên chia sẻ bài thuốc, vị thuốc đông y trị hóc xương: 1. Uy linh tiên: sắc 30 gam uy linh tiên còn 400ml, chia làm 2 lần trong ngày, uống chậm chậm cùng với giấm. 2. Sơn tra: sơn tra 15 gam, sắc đặc với 200ml nước. Ngậm một lúc lâu rồi nuốt. 3. Phèn đen thang: ngọn cây phèn đen (tươi) 10 ngọn, rửa sạch, để ráo nước, giã nhỏ với muối (1-2 gam), ngậm nuốt dần dần xương sẽ trôi xuống. Phương pháp khác, giai đoạn đầu bị hóc xương, làm cho xương tiêu dần có thể dùng một trong các cách sau: - Bắt 1 con ong bầu để sống đập giập hơi nát gói bằng vải sạch, đậy kín, cho bệnh nhân ngậm vào miệng nuốt nước nhè nhẹ, dần dần. Ngậm luôn trong 1-3 giờ và phải nuốt thường xuyên. - Lấy một cục hàn the ngậm nuốt nước từ từ xương sẽ tiêu (không dùng cho phụ nữ mang thai). - Lấy rau dừa tây trồng làm cảnh, một ít muối hột, hai thứ đập giập. Ngậm nuốt ra nước miếng khoảng 10 phút sẽ khỏi. Giai đoạn hóc xương đã bị làm độc: Triệu chứng: họng đau như kim đâm, nuốt khó kèm sốt, rét run, táo bón, nước tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch nhanh... Điều trị: thanh nhiệt, giải độc, tả hỏa, loại bỏ mủ. Dùng bài tam hoàng lương cách tán gia giảm. Đại hoàng 20 gam, cam thảo 20 gam, hoàng cầm 10 gam, liên kiều 40 gam, mang tiêu 20 gam, chi tử 10 gam, bạc hà diệp 10 gam sắc uống 3 thang. Bác sĩ Nhiên lưu ý rằng hiện nay khoa tai mũi họng khá phát triển nên người dân thành phố khi bị hóc xương phải đến ngay bệnh viện tai mũi họng để được xử lý. Các bài thuốc trên chỉ áp dụng cho vùng quê, nơi xa trung tâm y tế hoặc các khu vực chưa phát triển khoa tai mũi họng. DIỆU NGUYỄN |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét