Một ông lang Trung Quốc tại hiệu thuốc đông y vùng ngoại ô thành phố Thành Đô, Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Theo Scienealert, báo cáo trên là kết quả của cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia (SFDA), xem xét 1.622 thử nghiệm lâm sàng với các loại thuốc mới chờ cấp phép sản xuất.
Theo đó, báo cáo chỉ ra những hành vi sai phạm gần như ở mọi cấp độ và các hãng dược phẩm đã che giấu hoặc xóa bỏ những thông tin thử nghiệm cho thấy những tác dụng phụ bất lợi, chỉnh sửa dữ liệu liên quan nếu chúng không đáp ứng mong muốn của họ.
Căn cứ vào phát hiện sai phạm này, 80% đơn xin đăng ký phê chuẩn thuốc mới đã bị hủy. Các đơn này đều liên quan tới các thuốc Tây dược, không phải dược liệu truyền thống Trung Quốc.
Qua điều tra, SFDA đã phát hiện hơn 80% dữ liệu kiểm nghiệm lâm sàng thuốc không đáp ứng các yêu cầu phân tích, thiếu toàn diện hoặc thậm chí "hoàn toàn không tồn tại".
Các nhà điều tra cũng nhận thấy không chỉ rất nhiều loại thuốc mới đang nộp đơn xin phê chuẩn trên thực tế chỉ là sự kết hợp của những loại thuốc đã có trên thị trường, mà nhiều kết quả thử nghiệm lâm sàng của thuốc đã được viết "từ trước khi các thử nghiệm ấy diễn ra" và dữ liệu đơn thuần chỉ là được tạo ra cho phù hợp với mong muốn của hãng dược.
Điều tệ hại nhất là không chỉ một vài nhà khoa học hay một vài hãng dược tham gia vào công việc bẩn thỉu này. Báo cáo nhận thấy có rất nhiều người và ở mọi cấp độ cùng đang nhúng tay vào trục lợi từ những hành vi gian lận trong sản xuất thuốc tại Trung Quốc.
Đáng lo ngại nữa khi chính các nhà điều tra độc lập bên thứ ba được giao nhiệm vụ giám sát các cơ sở thử nghiệm lâm sàng cũng bị bêu tên trong báo cáo của SFDA là những "kẻ đồng lõa trong việc thêu dệt ra các dữ liệu với lý do cạnh tranh khốc liệu và động cơ kinh tế".
Trên thực tế tình trạng đáng lo ngại này không bắt nguồn từ quy chế quản lý. Các quy định thử nghiệm lâm sàng với thuốc ở Trung Quốc cũng tương tự như những quy định đang được áp dụng tại các nước phương Tây.
Trong đó có ba giai đoạn được yêu cầu cần kiểm định là tính an toàn, hiệu quả và đó có phải là loại thuốc mới, tốt hơn loại thuốc đang có hay không.
Tuy nhiên những quy định này chỉ được truyền thông cho có và thực tế đã không có sự tuân thủ nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Báo cáo của SFDA được xuất bản trên ấn phẩm Economic Information Daily do nhà nước quản lý. Điều đáng kinh ngạc là tờ báo này dẫn phát biểu từ một giám đốc bệnh viện giấu tên cho rằng họ không bất ngờ về tình trạng làm giả, thêu dệt các kết quả thử nghiệm lâm sàng với các dược phẩm mới.
Mặc dù thuốc cổ truyền Trung Quốc không phải là đối tượng của cuộc điều tra này, tuy nhiên một số người trong giới đánh giá thực tế tương tự cũng đang xảy ra rất tồi tệ ở lĩnh vực đó nhưng khó phanh phui vì chưa thể quản lý được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét