Khảo sát mới đây được Hiệp hội Giấc ngủ Trẻ em châu Á - Thái Bình Dương (APPSA) thực hiện trên 29.000 trẻ 0-36 tháng tuổi tại 17 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Kết quả cho biết, nhóm trẻ châu Á đi ngủ trễ hơn và thời gian ngủ đêm trung bình cũng ít hơn nhóm trẻ châu Âu.
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, nhận thức và kỹ năng xã hội của trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời. Giấc ngủ ngon và sâu tác động tích cực tới não bộ, khả năng học tập của trẻ, giúp bé lưu giữ trí nhớ đã có và tạo ký ức mới, đồng thời tăng cường tiếp thu ngôn ngữ. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều bà mẹ than thở trẻ ngủ không ngon hoặc khó đi vào giấc ngủ, thậm chí quấy khóc mỗi khi trở dậy giữa đêm.
Sau khảo sát, APPSA phối hợp với Johnson & Johnson đã nghiên cứu và phát triển chu trình Johnson’s 3 bước giúp trẻ dễ vào giấc ngủ và ngủ ngon suốt đêm. Đó là tắm sạch với nước ấm; mát-xa thư giãn; tạo thời gian yên tĩnh cho trẻ dễ đi vào giấc ngủ bằng các hoạt động vỗ về, hát ru hay đọc truyện. Thời gian thực hiện 3 bước là 30 phút trước khi ngủ, mỗi bước 10 phút. Chu trình lặp lại hàng ngày sẽ giúp hình thành thói quen ngủ lành mạnh.
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Duy Hương - Phó chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh TP HCM, các nước phát triển đã tiếp cận khoa học giấc ngủ từ lâu. Họ có nhiều nghiên cứu, bằng chứng cũng như phương pháp điều chỉnh, can thiệp và chăm sóc giấc ngủ tốt hơn cho trẻ em. Tuy nhiên ở Việt Nam, khoa học giấc ngủ vẫn là lĩnh vực mới, nghiên cứu còn ít ỏi, chưa có khuyến nghị rõ ràng trong cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ.
3 bước này được Hội Nhi khoa Việt Nam đưa vào bộ khuyến nghị “Chu trình giúp trẻ ngủ ngon”, nhằm phổ biến rộng rãi cho nhân viên y tế và các bà mẹ trên cả nước vào năm 2017. Để việc áp dụng hiệu quả, Tiến sĩ Duy Hương khuyên cha mẹ cần tuân thủ về thời gian cũng như 3 bước thực hiện để trẻ dần hình thành phản xạ có điều kiện. Nên áp dụng từ sớm, khi trẻ mới 1,5-2 tháng tuổi để đạt hiệu quả cao hơn.
Bộ khuyến nghị cũng khuyên cha mẹ nên cho trẻ đi ngủ trước 21h. Kết quả khảo sát Giấc ngủ toàn cầu cho thấy, trẻ đi ngủ trước 21h sẽ có giấc ngủ dài hơn một tiếng so với trẻ ngủ sau 21h. Ngoài ra, cha mẹ không nên vỗ về, ẵm bế, đu đưa hay cho trẻ ngậm ti để ngủ, mà nên để trẻ học cách tự đi vào giấc ngủ. Như thế, trẻ sẽ ít thức giấc giữa đêm, nếu có dậy cũng tự trở lại giấc ngủ nhanh hơn. Bản thân người chăm sóc sẽ bớt mệt mỏi.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Duy Hương - Phó chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh TP HCM hướng dẫn cha mẹ thực hiện chu trình giúp trẻ ngủ ngon. |
Ông Robert Kwon - Giám đốc khoa học Johnson’s Baby khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, chu trình này được nghiên cứu trên 405 bà mẹ và trẻ 7-36 tháng tuổi. Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, sau một tuần áp dụng chu trình 3 bước, trẻ đi vào giấc ngủ nhanh hơn 37%, số lần thức giấc giữa đêm giảm 38%, thời gian thức giấc ít hơn 32%.
Sau 3 tuần áp dụng, số bà mẹ ghi nhận con ngủ ngon hơn tăng gấp đôi. Nhờ đó, mẹ giảm căng thẳng mệt mỏi 45%, bớt cáu gắt 54%, giàu năng lượng hơn 22% và tự tin về khả năng quản lý giấc ngủ của con.
An San
0 nhận xét:
Đăng nhận xét