Bệnh viện Đa khoa Trí Đức nơi xảy ra vụ 2 bệnh nhân tử vong sau khi gây mê vào sáng 25/12. Ảnh: nld. |
Việc 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê cách nhau 25 phút tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hà Nội) hôm 25/12, được các bác sĩ chuyên ngành Gây mê - Hồi sức tại TP HCM nhìn nhận là rất hy hữu. Lý do, xác suất xảy ra liên tiếp 2 ca tử vong do gây mê tại cùng một bệnh viện như trường hợp này rất thấp.
Một nghiên cứu của các chuyên gia Pháp khảo sát trên 200.000 bệnh nhân gây mê ghi nhận cứ 13.200 ca có một trường hợp tử vong, tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển. Nghiên cứu khác vào năm 2006 cho thấy 38% bệnh nhân tử vong sau gây mê do biến chứng đường hô hấp, 61% biến chứng tim mạch gồm sốc phản vệ, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, giảm thể tích tuần hoàn và cung lượng máu.
Tài liệu y khoa chuyên ngành Gây mê - Hồi sức của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tai biến trong quá trình gây mê như:
Thuốc mê
Tác dụng phụ của thuốc gây mê thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, người lớn có hệ miễn dịch suy yếu, bị bệnh tim, tiểu đường, bệnh máu, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính...
Sốc phản vệ
Bệnh nhân bị sốc phản vệ do gây mê thường diễn tiến rất nhanh dẫn đến rối loạn nhịp tim và tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời.
Tay nghề của kỹ thuật viên gây mê
Tùy từng loại phẫu thuật áp dụng kỹ thuật gây mê và liều lượng thuốc phù hợp, nên cần ít nhất một bác sĩ có trình độ chuyên môn về gây mê để đưa ra chỉ định chuẩn xác. Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay một số cơ sở phẫu thuật chỉ có điều dưỡng hoặc cử nhân chưa đủ kinh nghiệm để xử trí tốt tình huống. Còn ở các bệnh viện quá tải, một bác sĩ gây mê phải trông nhiều bệnh nhân cùng lúc nên không thể theo sát từng người. Đến khi xảy ra tai biến hoặc sốc phản vệ, bác sĩ không có mặt để xử trí kịp thời.
Một số bác sĩ đang công tác trong lĩnh vực Gây mê - Hồi sức tại TP HCM cũng nêu lên vài nguyên nhân khác như sử dụng trang thiết bị, vật tư, thuốc chưa đạt chuẩn dễ gây phản ứng phụ hoặc ngộ độc trong quá trình gây mê. Cũng có thể y bác sĩ bỏ sót một số bước trong quy trình gây mê, đặc biệt là theo dõi tiền sử dị ứng của bệnh nhân nên dễ xảy ra sốc phản vệ mà không xử trí kịp dẫn đến tử vong.
>> Xem thêm Quy trình tiền gây mê để giảm nguy cơ bệnh nhân tử vong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét