Chia sẻ tại hội thảo ô nhiễm không khí - mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng diễn ra tại Hà Nội ngày 17/1, các chuyên gia đều cho rằng chất lượng không khí ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động và khiến người dân thực sự lo lắng. Một tỷ lệ lớn người dân nước ta đang bị phơi nhiễm với không khí ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe khá lớn, đặc biệt là với trẻ em vì có tốc độ thở gấp 2 lần người lớn. Chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư.
Theo báo cáo của GreenID, chỉ số AQI phản ánh chất lượng không khí tại Hà Nội và TP HCM năm 2016 ở mức trung bình. Cụ thể, chất lượng không khí ở mức chấp nhận được, tuy nhiên một số chất gây ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tới nhóm nhạy cảm với ô nhiễm không khí.
Lượng bụi (PM 2.5) trung bình năm 2016 ở TP HCM là 28,23 µg/m3, cao hơn một chút so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia là 25 µg/m3. Chỉ số này tại Hà Nội là 50,5 µg/m3 cao gấp đôi so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bụi PM 2.5 là tác nhân ô nhiễm quan trọng nhất về mặt sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi. Ảnh hưởng đến sức khỏe của nó tùy theo thành phần, tính chất (hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng…) của bụi mịn (nhiễm độc, ung thư, hen…).
Báo cáo này được thực hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, chiếm 18% dân số của cả nước. Trong đó, các nghiên cứu viên phân tích những dữ liệu sẵn có để đưa ra bức tranh về chất lượng không khí tại Việt Nam trong năm 2016, tập trung phân tích dữ liệu AQI và PM 2.5 tại 2 thành phố trên, sử dụng số liệu từ chương trình Airnow của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người cao tuổi... ldễ bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm không khí. Ảnh: H.H. |
Bên cạnh đó, khảo sát trực tuyến về quan điểm của người dân đối với chất lượng không khí tại Việt Nam thực hiện vào tháng 12/2016 với sự tham gia của hơn 1.400 người cho thấy, đa phần người được hỏi thể hiện sự quan tâm rõ nét đến chất lượng không khí hiện tại tại Việt Nam. 85% người được hỏi cảm thấy không hài lòng với môi trường không khí tại nơi họ sống, 70% cho rằng bản thân họ và con cái gặp phải vấn đề hô hấp, liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe và Môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho rằng: “Hiện nay đi đâu chúng ta cũng dễ gặp hình ảnh người dân đeo khẩu trang: ngồi chờ xe bus, ngồi trong công viên, bệnh viện, thậm chí lớp học… Chúng ta có khả năng lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, nước sạch nhưng không có khả năng lựa chọn không khí sạch”.
Một ngày con người cần 10.000 lít không khi để thở. Theo tiến sĩ Cường, ô nhiễm không khí là khi thành phần của không khí bị thay đổi, chất độc hại thải vào môi trường vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường. Không khí qua cơ thể có gây bệnh hay không phụ thuộc miễn dịch, chức năng đào thải cơ thể, chất độc hại vào cơ thể, mức độ… Nhóm dễ bị ảnh hưởng là người cao tuổi, phụ nữ có thai, có thể gây ảnh hưởng bào thai, trẻ em, người có bệnh sẵn…
Hiện nay Việt Nam chưa có số liệu cụ thể chứng minh các trường hợp nhập viện do bệnh tật liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí. WHO ước tính trong năm 2012 thế giới có khoảng 6,5 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á có số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất…, Việt Nam nằm trong khu vực này.
Theo niên giám thống kê y tế của nước ta năm 2014, trong số 5 bệnh tật có tỷ lệ mắc cao nhất trong cơ cấu bệnh tật thì bệnh đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất, tỷ lệ tử vong đứng thứ 2. Trong số 10 bệnh có tỷ lệ bệnh nhân cao trên 100.000 dân thì viêm phổi đứng thứ 2, viêm họng - amidan cấp thứ 3… Trong số các bệnh chết cao nhất trên 100.000 dân thì viêm phổi đứng thứ 2, các bệnh khá hô hấp đứng thứ 8.
Dự báo của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người dân bị viêm phổi, nhập viện vì khó thở, tim mạch… có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 nếu không có biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm.
Tiến sĩ Cường cũng nhấn mạnh, thuốc lá là sát thủ giấu mặt gây ô nhiễm không khí trong nhà. Nó chứa đến 7.000 chất hóa học, 79 chất gây ung thư. Cứ mỗi phút tại khu vực Tây Thái Bình Dương có 2 ca tử vong ảnh hưởng khói thuốc lá. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến thuốc lá,con số này có thể tăng lên 70.000 người vào năm 2020.
Thách thức Việt Nam trong quản lý chất lượng không khí là chưa có luật không khí sạch, quy chuẩn về nồng độ chất phát thải thấp hơn so với quốc tế, hệ thống quan trắc mỏng… Vì thế, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm GreenID khuyến nghị Việt Nam cần ban hành luật không khí sạch; điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế; giảm nguồn phát thải; giảm phát thải từ phương tiện giao thông; cải thiện chất lượng không khí trong nhà...
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe trong trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, thậm chí tử vong, suy ngược, chóng mặt, co giật, ảnh hưởng tim, phổi, ngứa mắt… Trường hợp mãn tính là viêm phổi, phế quản mãn tính; phổi tắc nghẽn mãn tính; hen suyễn; tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh… Nghiên cứu của châu Âu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể gây huyết khối trong mạch máu, tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu cục bộ, từ đó làm gia tăng người nhập viện do đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm gan...
Nam Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét