Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Chật chội trên những giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận
Chật chội trên những giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cùng một số lãnh đạo UBND TP, ban ngành TP đã làm việc với Đảng ủy Sở Y tế TP về thực hiện tự chủ tài chính và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế cũng như định hướng phát triển ngành y tế đến năm 2020.

“Sẽ không còn người TP.HCM đi Singapore chữa bệnh”

Báo cáo tình hình tự chủ tài chính và xã hội hóa, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế TP.HCM bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2006, đến nay có 10 đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động, 72 đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động và 12 đơn vị do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động.

Ông Bỉnh khẳng định từ nay đến năm 2020 ngành y tế TP.HCM tiếp tục phát triển các mô hình hoạt động nói trên và mở rộng thêm nhiều hình thức xã hội hóa đa dạng khác nhưng đảm bảo cân đối, hài hòa toàn diện cả hai loại hình y tế công và tư, trong đó y tế công giữ vai trò chủ đạo...

Đảm bảo mục tiêu phát triển đến năm 2020, ngành y tế phát triển hiện đại, hoàn chỉnh hướng đến công bằng, hiệu quả, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.

Đặc biệt, ngành y tế sẽ trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của TP.HCM và người dân không còn phải đi Singapore chữa bệnh, người bệnh không phải nằm ghép, bệnh viện không còn quá tải...

Tại buổi làm việc, một số giám đốc bệnh viện như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Q.2 nêu ngoài những thuận lợi, ưu điểm khi thực hiện tự chủ, các bệnh viện này vẫn còn vướng mắc cần được tháo gỡ để thực hiện tự chủ tốt hơn hoặc dám thực hiện tự chủ hoàn toàn (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương).

Những vướng mắc được nêu như cơ cấu viện phí vẫn chưa được tính đúng tính đủ, không được hoàn toàn quyết định giá dịch vụ y tế như các bệnh viện tư nhân, luôn lo sợ bị Bảo hiểm xã hội xuất toán vì bị vướng trong thanh toán bảo hiểm y tế...

Bệnh viện hoạt động theo mô hình 
doanh nghiệp?

Sau khi nghe ý kiến các bệnh viện, bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị bệnh viện công càng tự chủ thì càng không được để cá nhân giám đốc lạm quyền mà phải công khai, minh bạch trong nội bộ.

Mô hình tự chủ cũng như xã hội hóa y tế cần có vai trò giám sát của cấp ủy Đảng, không để sơ hở và bệnh viện phải hoạt động ngay ngắn.

Phải tăng cường công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế, đảm bảo các chỉ định là đúng, không lạm dụng để gây tổn thất quỹ bảo hiểm y tế và bảo vệ lợi ích chính đáng của bệnh nhân.

Về đề xuất xin bệnh viện được hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, bà Thu nói: “Tôi rất trăn trở và xin được phản biện”.

Theo bà Thu, bà chưa an tâm lắm với mô hình này vì nếu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ phải đặt ra lợi nhuận.

Nếu bệnh viện đặt ra lợi nhuận lên hàng đầu thì phải hoàn toàn theo thị trường hay không, mục tiêu chăm sóc sức khỏe người bệnh còn không, có mâu thuẫn nhau không?

Ông Tất Thành Cang cho rằng chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ và TP.HCM đã có nhưng đây là vấn đề rất lớn vì có tính chất bước ngoặt, chiến lược để đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tác động trực tiếp đến người dân.

Vì vậy khi quyết định vấn đề lớn này, ông kiến nghị bí thư Thành ủy khi kết luận cần xác định quy tắc chỉ đạo để từ đây có các bước làm chặt chẽ.

Cần làm nhanh hơn

Kết luận hội nghị, ông Đinh La Thăng khẳng định nghị quyết của Đảng về việc bệnh viện công hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đã có, tuy nhiên TP.HCM sẽ làm hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng không vì thận trọng mà phải dừng lại.

Vấn đề là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ. Ông Thăng khẳng định ngành y tế TP.HCM đã đi và làm đúng chủ trương nhưng cần làm nhanh hơn.

Ông Thăng cũng hoan nghênh Đảng ủy Sở Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tp cơ bản sẽ hết quá tải bệnh viện, không còn nằm ghép và người bệnh hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng chăm lo sức khỏe cho người dân.

Người dân rất hạnh phúc khi được hưởng các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến nhất của thế giới, không phải đi nước ngoài chữa bệnh và người bệnh của Hà Nội cũng phải đến TP.HCM khám chữa bệnh.

Ông Thăng đề nghị ngành y tế tập trung giải quyết quá tải bệnh viện, nghiên cứu tổ chức lại mô hình y tế vì một số mô hình hiện nay còn chồng chéo, không còn phù hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ tài chính, Sở Y tế phân cấp, ủy quyền cho các giám đốc bệnh viện tự chủ về tổ chức, tiền lương, tuyển dụng nhân viên, bổ nhiệm cán bộ...

Hợp tác công tư

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết 10 năm qua (2006-2016), ngành y tế TP.HCM đã có 91 dự án đầu tư thuộc chương trình vay kích cầu để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, đầu tư trang thiết bị y tế... với tổng giá trị vay gần 3.930 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2016 đã có 109 đề án thực hiện hình thức đối tác lắp đặt thiết bị, bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ với tổng trị giá 1.100 tỉ đồng, trong đó vốn đối tác là 997 tỉ đồng.

Ngành y tế TP.HCM còn triển khai 6 đề án hợp tác công tư để thực hiện giảm tải cho bệnh viện công lập đang trong tình trạng quá tải, sử dụng nguồn lực sẵn có của các cơ sở y tế tư, tiếp cận được kỹ năng và kinh nghiệm của khu vực tư nhân...

Đồng thời kêu gọi đầu tư 16 dự án theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỉ đồng.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

SỮA ONG CHÚA

MẬT ONG TODAY

Mật ong today

SỮA ONG CHÚA

CUA GO DUC TIEN

Popular Posts