Do giá thành đắt nên trước hết sẽ ưu tiên áp dụng sản xuất các nhóm máu hiếm - Ảnh: Reuters |
Theo đài BBC, việc tạo ra máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm đã được thực hiện thành công từ lâu nhưng chỉ ở quy mô rất nhỏ.
Nay các nhà khoa học của Đại học Bristol và bộ phận phụ trách lĩnh vực truyền máu và cấy ghép thuộc Cơ quan dịch vụ y tế công của Anh, đã tìm ra giải pháp cho phép mở rộng quy mô tới mức "sản xuất hàng loạt" với các tế bào hồng cầu cần thiết cho nhu cầu truyền máu.
Theo phương pháp tạo máu nhân tạo truyền thống, các nhà khoa học sẽ lấy một loại tế bào gốc chuyên sản xuất tế bào hồng cầu trong cơ thể người, sau đó tạo những điều kiện lý tưởng để tế bào gốc này sản sinh các tế bào hồng cầu trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên theo cách truyền thống này, mỗi tế bào gốc chỉ có thể tạo ra gần 50.000 tế bào hồng cầu rồi sẽ tự tiêu hủy. Do đó các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách thức điều chỉnh những tế bào gốc ở giai đoạn đầu để chúng có thể tự nhân lên với số lượng vô giới hạn.
Các nhà khoa học gọi đó là kỹ thuật làm "bất tử" tế bào gốc. Theo đó, về mặt lý thuyết, sẽ tạo ra một lượng tế bào hồng cầu vô hạn từ kỹ thuật này.
Dẫu thế thì máu nhân tạo tạo ra theo cách này vẫn tốn kém hơn nhiều so với các chi phí liên quan tới máu hiến, nên công nghệ này trước mắt sẽ chỉ áp dụng với các trường hợp người bệnh thuộc nhóm máu hiếm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét