Trẻ khó thở, được gia đình đưa vào bệnh viện huyện điều trị 10 ngày song tình trạng càng nặng hơn nên được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.
Kết quả chụp phim CT bệnh nhân phát hiện dị vật trong lòng khí quản đoạn ngay trước ngã 3 khí phế quản. Các bác sĩ mổ nội soi, gắp ra nửa hạt đậu phộng màu trắng đã mủn.
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Khi bị dị vật đường thở, trẻ đang ăn hoặc chơi tự nhiên lên cơn ho sặc sụa, khó thở, tím tái, vã mồ hôi, thậm chí tiểu và đại tiện ra quần. Dị vật vào thanh quản gây khó thở, khàn tiếng, ho, thở rít... do đường thở bị bít tắc. Dị vật vào khí quản (thường là dị vật tương đối lớn, lọt qua thanh quản) gây khó thở từng cơn; vào phế quản thì làm cho khó thở. Triệu chứng giống như viêm phế quản hay viêm phổi nên dễ chẩn đoán nhầm. Một số trường hợp dị vật quá lớn làm bé ngạt thở và tử vong tức thì.
Để phòng dị vật đường thở, cha mẹ cần chú ý nên đặt trẻ trong tư thế ngồi khi cho bú và không được để trẻ nằm ôm bình bú một mình. Không được dỗ trẻ đang khóc bằng việc ấn bình sữa vào miệng, sẽ gây sặc. Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, vật nhỏ dễ bỏ vào miệng ngậm. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như hạt lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa…
Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, người lớn không nên hoảng hốt, la hét, mắng vì sẽ khiến trẻ sợ hãi dễ bị hóc hơn; không để trẻ vừa ăn vừa chơi. Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Hướng dẫn cách vỗ lưng, ấn ngực sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Hướng dẫn thủ thuật Heimlich sơ cứu khi trẻ tỉnh
Hướng dẫn thủ thuật Heimlich sơ cứu khi trẻ hôn mê
Long Nhật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét