Người bị đột quỵ nếu cấp cứu chỉ chậm một phút đã có thể khiến hàng triệu tế bào não bị chết, để lại tình trạng di chứng não không thể phục hồi… Tận dụng thời gian vàng cấp cứu là quan trọng nhất, người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm nhất có thể để giảm tổn thương não.
Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã lập đội cấp cứu đột quỵ phản ứng nhanh. Ngay khi bệnh nhân vào viện, dây chuyền cấp cứu này sẽ được khởi động. Tất cả khâu hội chẩn, siêu âm, chiếu chụp CT, MR, xét nghiệm, chỉ định có dùng được thuốc tiêu sợi huyết không… đều được thực hiện rất nhanh từ khi vào cấp cứu đến được can thiệp chỉ trong 45 phút.
Nhiều kỹ thuật hiện đại được áp dụng để cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: N.P. |
Tiêu chuẩn vàng để dùng thuốc tiêu sợi huyết là dưới 3 tiếng đồng hồ sau khi bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ và thời gian mở rộng là 4,5 giờ.
"Quá trình này như một cuộc 'tranh cướp' để cứu tế bào não, vì chỉ cần chậm trễ một phút là vùng não bị tổn thương không được tưới máu nên đã có hàng triệu tế bào não bị chết", tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại hội nghị khoa toàn quốc chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc diễn ra ở Hà Nội trong 2 ngày 13-14/4.
Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu như tim phổi nhân tạo, kỹ thuật lọc máu liên tục, một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt. Nhờ đó nhiều bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao đã được cứu sống như bệnh viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn... Những kỹ thuật mới đã giúp cứu sống thêm 20-50% bệnh nhân nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại. Tuy nhiên, chi phí cho những hoạt động này hết sức đắt đỏ, nhiều khi vượt quá khả năng chi trả của người bệnh. Quỹ bảo hiểm y tế chưa chi trả nhiều cho các kỹ thuật lọc máu.
Phương Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét