"Dù được chăm sóc rất kỹ, tôi mừng vì mình là người phương Tây và đã không bị ốm nặng hơn", nhà báo Benjamin Mack (Đức) kể lại sau chuyến thăm Triều Tiên và ngã bệnh.
"Cơ sở hạ tầng y tế của Triều Tiên đang cần được hỗ trợ", nhà báo Benjamin Mack nhận định. Đổ bệnh trong chuyến thăm Triều Tiên, anh đã có dịp trải nghiệm hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước được coi là bí mật nhất thế giới.
Viết trên Business Insider, Mack cho biết anh đến Triều Tiên tháng 6/2013 với tư cách một du khách. Nghỉ tại khách sạn, anh bỗng thức dậy với "cơn đau dạ dày tồi tệ nhất từng gặp" kèm ớn lạnh, tê liệt, đau đầu và tiêu chảy.
Nhanh chóng, Mack được đưa tới Chongjin, thủ phủ tỉnh Hamgyong Bắc. Tại căn phòng phía sau tòa nhà vừa là quán bar vừa là bệnh viện, y bác sĩ yêu cầu người đàn ông nằm xuống và tiêm thuốc. "Kim tiêm lúc nào cũng khiến tôi hoảng sợ, nhưng lúc ấy tôi còn sợ hãi hơn vì không biết chuyện gì đang xảy ra", Mack nhớ lại. Cuối cùng, đội ngũ y tế đi ra ngoài, để một nữ y tá lau mồ hôi trên trán bệnh nhân.
Thiếp đi vài giờ, Mack tỉnh dậy thấy y tá mang khay đựng cháo và trà vào. Anh cố ăn uống và dần lấy lại sức. Hướng dẫn viên của nhà báo thở phào nhẹ nhõm song thông báo họ phải rời khỏi đây càng sớm càng tốt. 3 ngày trôi qua, dù vẫn tiêu chảy nhẹ, Mack tạm biệt Triều Tiên, đến Trung Quốc rồi trở lại Đức. Về nhà, anh đi khám để biết liệu có phải điều trị tiếp. Được bác sĩ trấn an rằng đã khỏe mạnh, Mack không ngừng tự hỏi: "Tôi đã sống sót sau khi bị bệnh ở Triều Tiên, còn những người sống ở đó quanh năm thì sao?".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm một bệnh viện. Ảnh: KCNA. |
"Trên thực tế, chăm sóc sức khỏe cơ bản là điều rất khó đạt được", giám đốc điều hành Uỷ ban Nhân Quyền khu vực Bắc Triều Tiên Greg Scarlatoiu nói. "Tình trạng thiếu thốn thuốc men và nguồn máu, đặc biệt ở các vùng nông thôn, không được cải thiện". Ngoài ra, ông Scarlatoiu tiết lộ tham nhũng cũng là vấn đề lớn: "Các bác sĩ thường tính phí dịch vụ và người dân sẽ từ bỏ nếu không thể chi trả".
Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) ước tính người dân Triều Tiên chi chưa tới 1 USD mỗi năm cho chăm sóc sức khỏe. Gần đây nhất, báo cáo năm 2017 chỉ ra 41% dân nước này bị suy dinh dưỡng dẫn đến dịch lao. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng cao hơn nhiều so với nước láng giềng Hàn Quốc. Thế nhưng, phủ nhận mọi vấn đề, chính phủ Triều Tiên tuyên bố có hệ thống y tế miễn phí, hiện đại.
Đã có lúc Triều Tiên sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe đáng khen ngợi. Nước này thành lập một đội quân bác sĩ gia đình, mỗi người phụ trách khám chữa một cụm dân cư đồng thời đẩy mạnh tiêm chủng và lối sống lành mạnh. Nhờ vậy, thập niên 1960, Bắc Triều Tiên có nhiều giường bệnh và ít trẻ sơ sinh tử vong hơn Hàn Quốc.
Theo thời gian, Triều Tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế trì trệ cùng sự cô lập từ phương Tây. Nền y tế của họ không còn như cũ.
Một phòng bệnh tại Triều Tiên. Ảnh: Raymond Cunningham. |
Nhà báo Mack tin rằng rất khó đánh giá tình hình tệ đến mức nào bởi người nước ngoài, thậm chí cả những ai bị ốm như anh, thường chỉ thấy phiên bản "được sắp xếp cẩn thận" của nền y tế Triều Tiên. Trước đây, Tổ chức Ân xá Quốc tế từng bị WHO phê phán vì đưa ra báo cáo mô tả các bệnh viện Triều Tiên không khử trùng kim tiêm hay vệ sinh phòng bệnh. Tháng 4/2010, Giám đốc WHO Margaret Chan khen ngợi hệ thống y tế Triều Tiên khiến các quốc gia khác phải ghen tỵ.
Đối với Francis Markus, phát ngôn viên Hội Chữ thập Đỏ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ khu vực Đông Á, ít nhất đào tạo y bác sĩ ở Triều Tiên phù hợp với tiêu chuẩn Quốc tế. "Các y bác sĩ chúng tôi làm việc cùng đều là những chuyên gia tận tụy, giỏi chuyên môn", ông nói. "Tuy nhiên, đào tạo y bác sĩ là một phần quan trọng trong chương trình của chúng tôi nên rõ ràng họ được tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật mà Triều Tiên không sẵn có".
Một em bé sinh non được chăm sóc trong Bệnh viện Phụ sản Bình Nhưỡng: Raymond Cunningham. |
Tháng 2/2009, tới thăm Bệnh viện Phụ sản mới ở Bình Nhưỡng, phóng viên AP không thể không nhận thấy sự lạnh lẽo. Bệnh nhân phải khoác áo, đeo găng tay và quàng khăn khi khám bệnh còn y tá mặc bộ đồ trắng từ đầu đến chân. Dù có sự xuất hiện của vài máy móc công nghệ cao, những thiết bị cổ từ thời Liên Bang Xô Viết vẫn chiếm số đông. "Nếu đây là thực trạng của một bệnh viện cao cấp thì những cơ sở khác trông như thế nào?", Mack đặt câu hỏi.
Năm 2009, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên khẳng định phụ nữ tại Bệnh viện Phụ sản Bình Nhưỡng nhận mật ong cùng thuốc miễn phí và nơi đây đã đón hơn 6 triệu ca sinh nở, bao gồm 7.000 người ngoại quốc. Thế nhưng, các con số này chưa bao giờ được kiểm chứng.
Trong khi đó, CIA World Factbook thống kê tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong của Triều Tiên là 24,5 trên 1.000, cao gấp 4 lần Mỹ và gấp 6 lần Hàn Quốc. Năm 2012, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chỉ ra 25% trẻ em Triều Tiên dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mạn tính. Chưa kể, một phần ba phụ nữ bị thiếu máu.
Một số quan chức Triều Tiên thừa nhận những khó khăn về y tế đồng thời chấp nhận mở cửa để các tổ chức quốc tế vào giúp đỡ. Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Espen Bjertness và Ahmed Ali Madar từ Đại học Oslo (Na Uy) viết trên tờ Lancet: "Vẫn còn những bất bình đẳng nghiêm trọng, sâu sắc, không thể chấp nhận".
Minh Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét