Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Dưới đây là câu chuyện tìm lại cha mẹ ruột của 3 người phụ nữ bị bố mẹ bỏ rơi do muốn có con trai và sợ nộp phạt khi chính sách một con ở Trung Quốc bắt đầu hiệu lực.

Cai Fengxia: "Được đoàn tụ giống như một giấc mơ"

Chị Cai Fengxia đã khóc khi ngồi ăn tối cùng bố mẹ ruột lần đầu ở tuổi 38. Chị mất 12 năm tìm kiếm người đã bỏ rơi mình lúc 25 ngày tuổi ở cổng nhà văn hóa tại thị trấn Qiaoqi, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc. Nhưng khi ngồi ăn cùng họ, chị lại chỉ nghĩ về người cha nuôi già đang sống cách đó hàng trăm dặm. "Tôi rất nhớ cha và tự hỏi không biết ông đã ăn tối chưa", chị kể. 

Giữa những tiếng cười của bố mẹ và anh chị em ruột, chị thấy mình lạc lõng, nhất là khi giọng chị khác hẳn mọi người trong nhà.

Chị Cai sinh năm 1979, năm chính sách một con được thực hiện tại Trung Quốc nhằm hãm mức độ tăng trưởng dân số.

hanh-trinh-tim-cha-me-cua-nhung-co-con-gai-bi-bo-roi-o-trung-quoc

Chị Cai Fengxia (mặc áo đỏ quay lưng lại) bên bố mẹ và chị em ruột của mình. Ảnh: Aljazeera.

Ông Zhou Maodu, bố chị, sợ bị đuổi việc và bị phạt, đã làm điều mà nhiều người khác ở địa phương từng thực hiện: Bỏ rơi đứa con gái mới sinh, mong lần đẻ sau sẽ có con trai. Zhou kể rằng ông đã khóc rất nhiều những ngày mới bỏ con. Hai năm sau, ông có con trai.

Theo thống kê của tỉnh Giang Tô, có tới 425 trẻ mồ côi ở địa phương chỉ riêng năm 1979 - gồm cả trẻ mất cha mẹ lẫn bị bỏ rơi do chính sách một con. Phần lớn số này là bé gái. Nhiều người nghĩ rằng nếu sinh con trai thì mới giữ lại và đáng đóng tiền phạt bởi đứa bé ấy sẽ giúp duy trì nòi giống và phụng dưỡng họ khi tuổi già. 

Trường hợp chị Cai, lớn lên trong lời chế nhạo rằng mình chỉ là con nuôi, chị hỏi bố mẹ nhưng họ luôn chối. Năm 2012, chị Cai tham gia Hiệp hội tình nguyện tìm người thân ở tỉnh. Chị đã gửi mẫu ADN tới ngân hàng ADN Viện khoa học Pháp y và 4 năm sau thì được thông báo đã tìm thấy gia đình. 

Buổi sáng sau bữa tối đoàn tụ, bố chị Cai đã nói lời xin lỗi con gái trong nước mắt. Cùng ngày, chị trở về nhà với cha nuôi cùng chồng và hai con. "Được đoàn tụ với bố mẹ ruột cảm giác như một giấc mơ. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, chỉ là tôi có thêm vài người thân", chị nói.

Lin Chunhong: "Chưa bao giờ được hưởng tình cha".

Chị Lin Chunhong bị bỏ rơi trước một nhà máy ở Qinyang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khi 2 ngày tuổi. Đó là năm 1979 và chị là con gái thứ 3 của ông Wang Xing, quản lý một nhà máy ở địa phương, luôn khát con trai nhưng cố sinh lần 3 vẫn chỉ có con gái. Cảm thấy giằng xé vì quyết định bỏ con, vài giờ sau, cha chị đã quay trở lại tìm con nhưng không thấy nữa. Ông đã khóc nhiều ngày sau đó.

hanh-trinh-tim-cha-me-cua-nhung-co-con-gai-bi-bo-roi-o-trung-quoc-1

Chị Lin Chunhong khóc khi kể về tuổi thơ bị chế giễu, khinh miệt vì là con bỏ rơi. Ảnh: Aljazeera.

Chị Lin Chunhong lớn lên ở nơi cách nhà bố mẹ đẻ 500 km. Chị được một người phụ nữ độc thân nuôi dưỡng trong cảnh nghèo đói. Mẹ nuôi của chị đã cưới vài lần và Lin đã gọi 3 người đàn ông khác nhau là bố nhưng "chưa bao giờ thực sự cảm nhận được tình cha".

Người mẹ nuôi không kể với chị về nguồn cội. Chị chỉ nghe những người hàng xóm và bạn bè xì xào mình bị bỏ rơi và được nhận nuôi. Suốt thời thơ ấu, chị luôn cảm thấy bị bạn bè khinh miệt, không biết mình là ai và ôm nỗi hận bố mẹ đẻ.

Mặc dù sự hà khắc của chính sách một con dần lới lỏng khi giữa những năm 1990, các gia đình ở nông thôn được phép có con thứ hai nếu con đầu là gái hoặc khuyết tật, chính sách này chỉ bãi bỏ hoàn toàn vào đầu năm 2016.

Chính chị Lin cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách này một lần nữa năm 2009 khi vợ chồng chị có con thứ hai và chồng chị bị tạm giam một tháng.

Khi mẹ nuôi mất năm 2004, Lin bắt đầu đi tìm kiếm bố mẹ ruột. Có con khiến chị hiểu lòng cha mẹ hơn và biết hẳn đấng sinh thành phải khổ sở thế nào khi buộc phải bỏ rơi mình. 

Năm 2016, chị được thông báo tìm thấy gia đình qua mẫu ADN gửi tới ngân hàng gene. Chị khóc trong niềm vui sướng khi gặp mẹ ruột và dần vun đắp tình thân từ đó. Sau lần đoàn tụ đầu tiên, bố mẹ chị đã đến Sơn Đông để viếng mộ mẹ nuôi của con và cảm tạ bà đã dưỡng dục chị bao năm. Mẹ chị còn chuyển tới sống cùng con gái để đỡ đần việc nhà nhằm bù đắp những tháng ngày xa cách.

Chen Kaijing: "Được gặp bố mẹ sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời".

Với chị Chen Kaijing, câu chuyện về nguồn cội còn mờ mịt hơn. Cha nuôi đưa chị từ một viện bảo trợ trẻ em ở Giang Tô tới Tô Châu năm 1982 nhưng chị không biết chính xác mình sinh năm nào và ở đâu.

hanh-trinh-tim-cha-me-cua-nhung-co-con-gai-bi-bo-roi-o-trung-quoc-2

Chị Chen Kaijing (mặc áo đỏ quay lưng lại) và ba con. Ảnh: Aljazeera.

Chen lớn lên trong tình yêu thương của người cha không bao giờ lấy vợ và em gái ông. Tuy nhiên, chị vẫn luôn co mình lại, cảm thấy khác biệt với bạn bè và nghỉ học khi mới 10 tuổi.

Chị lấy chồng, sinh con gái thứ hai năm 2008. Nhiều người quen khuyên chị nên bỏ con để cố đẻ thêm bé trai nhưng chị không nghe. "Tôi không muốn con mình phải chịu những gì mẹ nó đã trải qua", chị nói. 

Chị mang thai lần 3 là một bé trai. Để tránh bị phạt, chị đưa cô con gái thứ hai tới một thành phố khác và sinh con trai tại đó. Chồng và con gái đầu của chị vẫn sống tại nhà ở Xuzhou.

Sợ sau này con gái không có họ hàng thân thuộc, lúc hấp hối 3 năm trước, cha nuôi của chị Chen đã kể về nơi ông nhận nuôi chị. Từ đó, chị bắt đầu đi tìm bố mẹ đẻ. Con gái chị, hiện 15 tuổi, cũng giúp mẹ đưa thông tin lên mạng.

"Tôi mong chờ ngày được gặp đấng sinh thành và đó sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời", chị nói.

Vương Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

SỮA ONG CHÚA

MẬT ONG TODAY

Mật ong today

SỮA ONG CHÚA

CUA GO DUC TIEN

Popular Posts