Ảnh: Reuters |
Theo đài Russia Today (Nga), đây là nghiên cứu đầu tiên đạt được thành công trong vấn đề này khi tiến hành trên mẫu chuột nhiễm virút HIV.
Thành tựu đột phá của nghiên cứu mới này do các nhà khoa học của đại học Temple và đại học Pittsburgh thực hiện, trên cơ sở phát triển một nghiên cứu trước đó cũng của chính nhóm chuyên gia này năm 2016.
Trong nghiên cứu năm 2016, các nhà khoa học đã có thể loại bỏ virút HIV khỏi các tế bào ở điều kiện thí nghiệm bằng cách sử dụng công cụ chỉnh sửa gene có tên Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats (CRISPR - có nghĩa ' trình tự sắp xếp kiểu lặp đi lặp lại xen khoảng trống').
Phó giáo sư Wenhui Hu thuộc đại học Temple, chủ trì nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu mới của chúng tôi toàn diện hơn. Chúng tôi khẳng định kết quả từ công trình nghiên cứu trước và đã nâng cao tính hiệu quả của phương pháp chỉnh sửa gene.
"Chúng tôi cũng chứng minh được rằng phương pháp này đã có hiệu quả ở hai mẫu chuột khác, một con đại diện cho trường hợp nhiễm virút HIV rất nghiêm trọng ở tế bào của chuột và con kia đại diện cho các trường hợp nhiễm virút kinh niên, ngấm ngầm trong tế bào người".
Công cụ chỉnh sửa gene CRISPR được mô phỏng như 'những chiếc kéo phân tử', giúp loại bỏ các loại virút HIV. Sau khi phát hiện thấy virút HIV, một loại enzyme đặc biệt sẽ giúp loại bỏ virút này khỏi các tế bào.
Nghiên cứu tiến hành thử nghiệm với ba mẫu chuột, trong đó có một thử nghiệm thành công với mẫu chuột chứa tế bào miễn dịch bị nhiễm virút HIV của người, nơi virút thường xuyên ẩn náu và rất khó phát hiện.
Các kết quả nghiên cứu đột phá này vừa được công bố trên tạp chí Molecular Therapy. Phó giáo sư Hu cho biết: "Giai đoạn tới sẽ là lặp lại nghiên cứu này ở các loài động vật linh trưởng, một mẫu vật nghiên cứu thích hợp hơn. Mục cuối cùng của chúng tôi là tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trên những người nhiễm HIV".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét