Chúng tôi đã mời bác sĩ Lương Quốc Chính (khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, quản trị diễn đàn bác sĩ nội trú) và ông Lê Văn Phúc (cũng là một bác sĩ) cùng trao đổi.
* Bác sĩ Lương Quốc Chính: Chúng tôi chữa người bệnh, chứ không phải chữa gãy xương
Bác sĩ điều trị bệnh nhân chứ không phải điều trị cái xương gãy, nên đôi khi xét nghiệm, chụp là để chẩn đoán.
Cơ thể là một khối thống nhất nhưng mỗi tế bào, mỗi cơ quan, mỗi đoạn cơ thể lại có những cấu trúc giải phẫu, chức năng sinh lý khác nhau. Không một kỹ thuật nào chẩn đoán được bách bệnh, không một biện pháp nào điều trị được bách bệnh.
Chụp X quang đã là tối thiểu, có khi bác sĩ còn phải chỉ định chụp cộng hưởng từ để đánh giá phần mềm, mạch máu... nữa, bởi không chỉ riêng xương có tổn thương, còn có thể có cả tổn thương ở các mô mềm xung quanh ổ gãy đó, mạch máu xung quanh nữa, không phải kiểm tra riêng xương ở vị trí đó được.
Bác sĩ cũng muốn xem ngã thế nào, ngã xe mà gãy xương thì còn cẩn thận các bệnh lý khác nữa hay không, người ta còn đi tìm bệnh lý nền, yếu tố nguy cơ, có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp gì không chứ không phải riêng cái xương gãy. Việc kiểm tra chỉ để an toàn cho bệnh nhân.
Trong quản lý quỹ BHYT, tôi cho là còn những khe hở để người xấu lợi dụng, kể cả từ phía bác sĩ và bệnh nhân. Đơn cử như việc một năm một người đi khám hàng trăm lần là quản lý kém.
Nhưng áp đặt chỉ định cho bác sĩ như hiện tại, nhất là các khoản thuốc men, chụp chiếu là vô lý, không tham khảo về chuyên môn ngành y.
* Bác sĩ Lê Văn Phúc: Không gây khó khăn mà mong tiền được dùng đúng
Ở bệnh nhân cụ thể mà tôi chỉ ra ở đây, chụp một phim cụ thể là đã thấy bị gãy xương cánh tay rồi. Theo tôi là không cần chỉ định chụp phim thứ hai, đưa người ta vào "ăn" tia nhiều.
Không phải chỉ định chụp chiếu nhiều nào cũng là lạm dụng, nhưng số chỉ định lạm dụng cũng không ít.
Ngay người thân của tôi đi mổ bướu cổ, vừa chỉ định chụp CT bướu cổ và một phim X quang phổi xong, bác sĩ thấy những vết mờ trên phim phổi và chỉ định chụp tiếp CT tiếp. Nhưng phòng chụp họ từ chối vì vừa chụp rồi.
Cổ chân và gót chân không cách xa bao nhiêu, một phim kích thước 20x30cm thì cổ chân, cẳng chân, gót chân cách xa bao nhiêu mà chỉ định chụp riêng? Tôi cũng đã đưa chỉ định này cho nhiều bác sĩ khác xem và họ cũng thấy là bất hợp lý.
Tất nhiên như tôi nói ở trên có những trường hợp chỉ định chụp riêng từng bộ phận cơ thể là cần thiết, nhưng ở bệnh nhân cụ thể này là không cần thiết. Nếu yêu cầu bệnh nhân nào cũng cần chỉ định riêng như vậy thì là bao biện.
Có thể mỗi phim X-quang chỉ là mấy chục ngàn đồng không đáng gì, nhưng hàng chục ngàn cái mấy chục thì sẽ là nhiều. Mình cứ để ý đến cái lớn mà cho rằng những chi phí nhỏ là không đáng.
Mục tiêu chính của chúng tôi khi quản lý quỹ bảo hiểm là tiền của quỹ được sử dụng hiệu quả, không lãng phí.
Chúng tôi không gây khó cho bác sĩ khi chỉ định dịch vụ mà mong là chỉ định đúng và điều trị được cho bệnh nhân.
Cùng thuốc ceftriazone nhưng loại hàm lượng 2g đắt gấp bốn lần loại 1g. Trước đây vẫn dùng loại 1g, nay dùng nhiều loại 2g. Nếu dùng như cũ thì chi phí giảm cả chục tỉ đồng.
Nếu hỏi bệnh kỹ sẽ đỡ được rất nhiều chi phí chụp chiếu chẩn đoán. Nhưng thói quen hiện nay là bác sĩ ít hỏi bệnh, mà cho đi chụp chiếu ngay. Tôi cho như vậy cũng sẽ có những ca bệnh lãng phí chi phí.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét