Ngày 3/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân nam 57 tuổi bị sốt mò. Người này bị sốt cao kèm đau đầu nhiều, vào Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Dương điều trị. Sau 7 ngày, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang với chẩn đoán bị sốt mò, ở vùng nách có một nốt mò đốt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus tickettsia tsuisugamushi (thường gọi là con mò) gây ra. Loài này thường đốt bệnh nhân ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... Nạn nhân có vết loét chỗ bị đốt, sưng hạch, kèm theo đau đầu và sốt cao kéo dài.
Vết mò đốt đặc trưng ở nách bệnh nhân. |
Bệnh sốt mò được phát hiện ở TP HCM từ năm 1915. Bệnh rộ lên trong một giai đoạn khiến hàng nghìn người mắc, sau đó tạm lắng. Gần đây, bệnh có xu hướng xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều nơi. Bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, mặc dù vết loét rất đặc trưng nhưng thường ở vị trí khó phát hiện. Có bệnh nhân bị sốt cả tháng, khám tại nhiều bệnh viện được chẩn đoán sốt virus, viêm da, viêm hạch… điều trị mãi không dứt sốt. Chỉ đến khi khai thác tiền sử có nốt bất thường ở vùng nách, bác sĩ mới biết bệnh nhân bị sốt mò.
Diễn tiến của bệnh thay đổi từ thể nhẹ đến nặng do tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nếu phát hiện và điều trị không kịp thời. Bệnh thường gặp ở vùng nông thôn, nơi có nhiều bụi cây, rừng rậm; xảy ra vào mùa mưa và nóng. Ở miền Bắc bệnh thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10. Tại miền Nam sốt mò xảy ra quanh năm và tăng cao vào mùa mưa.
Bác sĩ khuyến cáo, khi đi vào vùng rừng núi có cây cối rậm rạp, bạn nên mặc quần áo chẽn gấu, chân đi vớ giày, gài ống quần hay ống tay áo vào trong vớ. Người thích đi du lịch vào vùng núi rừng thì không phơi quần áo hay đặt ba lô trên bụi rậm, không nằm trên cỏ; mặc quần áo che kín tay chân. Khi bị sốt, nổi hạch, có các nốt lạ trên cơ thể, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thanh Yến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét