Cây rau dền cơm. Ảnh: tapchiyduoc. |
Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, dền cơm còn gọi là dền tái, dền xanh, dền đất. Tên khoa học là Amaranthus llividus L.(A. viridis L.). Cây thuộc họ rau dền Anoranthaeae.
Dền cơm mọc rải rác ở ruộng hoang, nương rẫy, ven đường quanh làng bản, từ vùng thấp đến vùng cao trên 1.000 m. Cây thường ra hoa vào tháng 3 đến tháng 5. Người ta có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, cắt đoạn phơi khô để dùng.
Loại rau này có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt khu thấp, thu liễm, chỉ tả. Dân gian thường dùng để trị lỵ trực trùng, viêm trường vị cấp và mạn tính, trị rắn độc cắn, bò cạp đốt, viêm ruột, viêm vú, lở trĩ và sưng đau.
Tiến sĩ Chi giới thiệu bài thuốc trị lỵ từ cây rau dền như sau: Khi mới mắc bệnh, dùng 500 g rau dền cơm, chia ra thành 4 lần nấu với nước, mỗi ngày uống 4 lần. Ngày thứ hai dùng 250 g rau dền cũng chia làm 4 lần nấu uống.
Dền cơm xào, luộc ăn ngon, có tác dụng dưỡng sinh. Lưu ý: Loại rau này có tính hơi hàn nên kỵ dùng cùng tiết canh lợn, vịt, nếu ăn chung sẽ bị tiêu chảy dữ dội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét